Phản ứng Biểu tình Thái Bình 1997

Quốc nội

Nông dân Thái Bình

Một nông dân tên Đức — được The Seattle Times phỏng vấn — nói rằng "khi họ nói về Đổi Mới, nông thôn vẫn không có nhiều thay đổi. Nông dân và những người làm việc trên các cánh đồng đã bị lãng quên trong nỗ lực hiện đại hóa đất nước".[12] Nông dân tại hầu hết các thuộc Thái Bình khiếu kiện kéo dài trong suốt giai đoạn khoảng 1997–1999,[72][73][74][75][76] giải quyết triệt để khiếu nại vào năm 2000.[5] Từ tháng 11 năm 1997 đến tháng 6 năm 1998, Thái Bình có 242/285 xã (khoảng 90% đơn vị hành chính) có đơn khiếu nại tố cáo tham nhũng, lạm quyền trong quản lý đất đai với khoảng 43.000 người dân biểu tình.[21] Tính riêng huyện Vũ Thư, đơn khiếu nại – tố cáo được thống kê 398 lượt năm 1997 và 1.063 lượt năm 1998.[51]

Chính phủ Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Kiệt nhận báo cáo tổng kết của nhóm thị sát xã hội học Việt Nam năm 1997.

Một người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời điểm đó thừa nhận công chức địa phương Thái Bình "có một số hoạt động không minh bạch trong các dự án phát triển nông thôn".[23] Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định "Thái Bình làm được nhiều việc tốt sinh ra chủ quan dẫn đến quan liêu, xa dân, không nghe dân, dù đó là những ý kiến thẳng thắn, xây dựng. Dân bất bình khiếu kiện không được giải quyết, từ một số xã đã lan ra đến nhiều xã của tỉnh làm ảnh hưởng đến tình hình chính trị, sản xuất và các hoạt động khác".[41] Thường trực Ban Bí thư Lê Khả Phiêu nhận xét "sự việc Thái Bình chính là dân dạy cho Đảng ta bài học về bệnh quan liêu, gần dân mà xa dân; cán bộ Đảng – chính quyền cơ sở hư hỏng, tham ô; dân bức xúc, tố giác đã lâu mà không lắng nghe, điều tra, xử lý".[52] Sau khi nghe góp ý tại Bộ Quốc phòng, Lê Khả Phiêu quyết định xét xử các công chức sai phạm và những người kích động nhân dân gây rối tại Thái Bình.[77] Một phái đoàn do giáo sư Tương Lai chủ trì — một thành viên thuộc Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt — thị sát tình hình thực tế tại Thái Bình, ghi nhận "một cuộc khủng hoảng chính trị xã hội thực sự trong nhiều xã và huyện của nông thôn Thái Bình". Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hữu Thọ đánh giá "sự kiện ấy gây giật mình" khi Thái Bình cách đó một năm được chọn làm mô hình xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng bất chợt được coi là điển hình tham nhũng và vi phạm dân chủ.[18][20] Một phái đoàn do Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Minh Triết [vừa được bổ nhiệm] đến miền Nam thị sát công luận.[20]

Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông cáo chỉ thị khẳng định "đây là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân", hướng dẫn áp dụng phương pháp vận động – thuyết phục người dân, đồng thời tiến hành xử lý các công chức – Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam tham nhũng.[33] Thái Bình được chọn là nơi thí điểm Quy chế dân chủ cơ sở.[11][19][78] Năm 1998, Chủ tịch nước Trần Đức Lương bộc bạch "Khi những người tốt phải trút sự bất mãn đầy phẫn nộ của họ thông qua các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại công chức địa phương, chỉ có lời giải thích duy nhất là... nhiều công chức và Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam của chúng ta... đã phạm phải nhiều sai lầm".[16] Trong giai đoạn 1998–1999, Phạm Thế Duyệt thực hiện hơn 50 lần đối thoại giữa công chức và người dân Thái Bình để giải quyết các khiếu nại.[34][35][79] Theo Nghị quyết Trung ương 4 - Khóa XII, Tổng Bí thư (đương nhiệm) Nguyễn Phú Trọng gợi nhắc biến cố Thái Bình và khẳng định "quyền lực chính trị ngày càng dễ dẫn tới lợi ích vật chất khiến cán bộ các cấp chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ, xa rời dân".[20] Năm 2017, Phạm Thế Duyệt phân trần "ta phải coi ta là chính, đừng bao giờ ngộ nhận đổ cho người khách, đổ cho khách quan".[35]

Chính quyền địa phương

Tỉnh ủy Thái Bình khi đó cho rằng "nguyên nhân địch phá hoại, cán bộ hưu trí bất mãn chống đối", đồng thời kiến nghị Công an nhân dân Việt NamQuân đội nhân dân Việt Nam đến Thái Bình trấn áp, nhưng Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phản bác và cho rằng "cán bộ địa phương sai phạm, chính quyền yếu kém".[20][80] Trưởng Ban Dân vận Trung ương Phạm Thế Duyệt vận động công chức tại Thái Bình sai phạm và tham nhũng nhận lỗi trước công chúng, cam kết tiến hành hoàn trả tài sản lạm thu.[80] Năm 2001, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Bùi Sỹ Tiếu tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam IX thừa nhận nguyên nhân "quá thiên về phát triển kinh tế, xem nhẹ công tác xây dựng Ðảng Cộng sản Việt Nam" và "chưa phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân".[30] Năm 2018, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Hoa (đương nhiệm) Nguyễn Văn Hoàn thừa nhận biểu tình Thái Bình 1997 là "bài học kinh nghiệm sâu sắc, đắt giá của Đảng bộ xã Quỳnh Hoa trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt trong thực hiện dân chủ ở cơ sở".[19] Cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thái Thịnh (năm 1998) Đỗ Văn Hoàn khẳng định "luôn thấm thía bài học về lòng dân. Khi niềm tin của người dân được củng cố thì họ sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng vì sự nghiệp chung".[61] Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Hán cho rằng bất ổn giai đoạn 1997–1999 bởi "huy động nguồn lực quá sức dân, mất dân chủ".[79] Năm 2012, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Bùi Sỹ Tiếu đúc kết "đó là một bài học trong lãnh đạo chỉ đạo. Đừng bao giờ đẩy người dân đến bước đường cùng. Đừng bao giờ đẩy người dân đến mức không chịu đựng được".[5]

Truyền thông Việt Nam

Cựu phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân Đức Lượng cho rằng Sự kiện Thái Bình 1997 và một số sự kiện bức xúc trong xã hội Việt Nam hiện tại bắt nguồn từ nguyên nhân "người dân bày tỏ thái độ bất bình trước tình trạng tham nhũng ở cơ sở", đồng thời nhận định Đảng cầm quyền cần tránh "tình trạng lạm quyền, tham nhũng".[81] Nguyễn Hữu Quý trên báo Nhân Dân đúc kết "nhân dân được làm chủ thật sự, đó chính là chìa khóa của sự ổn định và phát triển".[82] Trần Quang Vũ trên báo Lao Động nhận xét "nếu không sâu sát, nắm bắt đúng tình hình, chỉ nghe báo cáo và áp dụng chuyên chính trong vụ Thái Bình, chúng ta không biết đất nước sẽ đi đến đâu".[80] Vũ Lân trên báo Đại Đoàn Kết gợi nhắc đến biểu tình Thái Bình 1997, đồng thời nếu thực trạng "vấn đề thực hiện dân chủ cơ sở ở nhiều nơi vẫn còn rất hình thức. Vấn đề thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn là vấn đề có nhiều bất cập, bức xúc, nổi cộm ở nhiều nơi".[34] Bùi Hoàng Tám trên báo Dân trí gợi nhắc biểu tình Thái Bình 1997 và nhận xét một số địa phương tại tỉnh Thái Bình thời điểm đó "hình thành một lớp cường hào mới" khiến "hàng vạn nông dân đứng lên biểu tình, hàng ngàn cán bộ Đảng viên bị xử lý kỷ luật".[83] Báo Thái Bình nhìn nhận vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãng hay tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm và sự kiện Thái Bình giai đoạn 1997–1999 đều bắt nguồn từ "những hạn chế trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở".[79]

Anh Thư trên báo Hà Nội Mới nhận định "một bộ phận cán bộ từ tỉnh đến cơ sở lề lối – tác phong làm việc quan liêu, cửa quyền, mất dân chủ nghiêm trọng"; đồng thời cho rằng "lạm thu đóng góp phí xây dựng hạ tầng quá lớn so với thu nhập thực tế của người dân" và coi nhẹ giải quyết khiếu nại, nội bộ tổ chức địa phương Đảng Cộng sản Việt Nam tranh giành quyền lực.[84] Lê Viết Quân trên VietNamNet gợi nhắc vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãngbiểu tình Ô Khảm, đồng thời nhận xét "Còn nhớ trước năm 1997, khi con sóng đầu cơ bất động sản đầu tiên hình thành ở Việt Nam, tại một số địa phương cũng đã manh nha làn sóng khiếu kiện đất đai. Nhưng đến năm 1997, điểm cực đại trong phản ứng tâm lý của người dân đã được kết tủa bởi sự kiện Thái Bình".[85] Thái Duy trên báo Người lao động bình luận "Sự kiện Thái Bình chứng minh bệnh quan liêu hết sức trầm trọng. Đây là lúc lãnh đạo các cấp phải học tập bài học chống quan liêu của Bác Hồ".[15] Đức Lê trên Tạp chí Quốc phòng toàn dân cho rằng "Sự kiện Thái Bình 1997" và biểu tình Tây Nguyên 2004chiến tranh tâm lý, đồng thời "thấy rất rõ tác hại của việc chậm trễ về thông tin và định hướng dư luận xã hội".[86] Báo Quân đội nhân dân cho rằng sự bất mãn lan rộng cùng với việc buông lỏng quản lý, biển thủ ngân sách và quan liêu của các công chức tham nhũng đã dẫn đến "bất ổn chính trị tồi tệ". Báo nhấn mạnh "một số tín đồ Phật giáoCông giáo bị dụ dỗ vào các hoạt động bất hợp pháp chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam, đường lối và chính sách của Nhà nước".[25] Báo Công an Thái Bình thừa nhận "do những sai lầm, khuyết điểm trong công tác quản lý kinh tế – xã hội ở cơ sở" đã khiến "xảy ra khiếu kiện phức tạp, gây mất ổn định, nhiều nơi trở thành điểm nóng" vào những năm 1997–1999.[87]

Học giả Việt Nam

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Hà tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định biểu tình Tây Nguyên 2004 và biểu tình Thái Bình 1997 bắt nguồn từ "quá trình công nghiệp hóa dẫn tới việc thu hồi quyền sử dụng đất nông nghiệp với quy mô lớn" khiến "chuyển đổi mạnh cấu trúc lao động các hộ gia đình", nhiều lao động nông nghiệp "không có thu nhập và thiếu nguồn sống".[88] Thạc sĩ Lê Xuân Huy tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu thực trạng người dân chưa có tiền lệ thực hành pháp quyền trong nền dân chủ, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn những quy phạm chưa phù hợp với thực tế, quyền và lợi ích của cá nhân bị xem nhẹ, cơ chế bộ máy quan liêu bao cấp kéo dài theo cách xử lý duy ý chí và vi phạm dân chủ. Sau một thời gian thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI, xuất hiện tranh chấp đất đai và nhu cầu đòi hỏi công khai hoá các khoản thu chi khiến xuất hiện biểu tình Thái Bình 1997 và khiếu kiện ở Hà Tây.[89] Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hạnh tại Học viện Khoa học Xã hội nhìn nhận sau Nghị quyết lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII và Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam IX, chính phủ Việt Nam ban hành nhiều chính sách nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, do chưa thể chế hóa và chậm áp dụng thực tiễn, sau Sự kiện Thái Bình thì các vụ khiếu kiện đông người vẫn chưa giảm và ngày càng gay gắt hơn.[2] Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc đúc kết "sự kiện Thái Bình để lại nhiều bài học trong đó có bài học về xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị, mối quan hệ giữa Ðảng và nhân dân".[90] Thạc sĩ Đặng Thị Minh Phương tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khái quát "người dân chống đối không phải là vì nhằm để lật đổ chính quyền, chống đối lại thể chế, mà người dân chỉ mong muốn đòi hỏi sự dân chủ, công bằng, loại bỏ những cán bộ tham nhũng, thoái hóa biến chất, hoàn thiện thể chế chính sách".[17] Thạc sĩ Đỗ Thu Huyền tại Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng "biểu tình là thứ vũ khí sắc bén để người dân kêu gọi việc bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của mình.[...] Thoạt nhìn thì đây là một cuộc bạo động nhưng không thể phủ nhận mặt tích cực của nó đối với bộ máy chính quyền địa phương".[91] Cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam Vũ Kỳ khẳng khái thừa nhận "Thái Bình đã để mất ngọn cờ lãnh đạo vào tay bọn tham nhũng".[15]

Bùi Thế Cường tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định biểu tình Thái Bình 1997 và biểu tình Tây Nguyên 2004 hay các vụ khiếu kiện đất đai cho thấy "những bài học quý giá về quản lý khủng hoảng, đưa ra những gợi ý về quản lý biến đổi xã hội, nhưng có thể vẫn chưa bộc lộ rõ chiều sâu của vấn đề để rút ra được những gợi ý về quản lý chiến lược".[92] Tiến sĩ Vũ Văn Khoan tại Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhìn nhận "Những gì xảy ra 15 năm trước ở một tỉnh có truyền thống yêu nước, chống giặc, cách mạng đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ.[...] Đảng ta, Chính phủ ta, nhân dân cả nước ta cần "cám ơn" Thái Bình đã chỉ ra được những bài học kinh nghiệm ấy vì những bài học quý báu đó không chỉ cho Thái Bình mà cho toàn Đảng, toàn dân ta hiện nay"".[21] Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết gợi nhắc vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãng và phân tích "chúng ta đã có bài học về lòng dân từ Thái Bình năm 1997 rồi, nhưng lâu nay có lẽ đã quên, mà quên lần này là hỏng hẳn".[93] Tiến sĩ Lê Văn Cương nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế giám sát quyền lực nhà nước đơn Đảng tại Việt Nam, đồng thời bình luận "15 năm trước, Đảng ủy Quỳnh Phụ 10 năm liền trong sạch vững mạnh vậy mà cuối cùng sự kiện Thái Bình 1997 lại nổ ra".[94] Đại biểu Quốc hội Việt Nam Dương Trung Quốc nhìn nhận "Nếu nhìn bề ngoài các đại biểu cho rằng đây là bạo loạn. Nhưng lúc đó Đảng Cộng sản Việt Nam rất tỉnh táo, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng đã đến tận nơi phát hiện ra cả hai mặt. Mặt tiêu cực là thiếu tổ chức dẫn đến tình trạng nhũng loạn. Nhưng mặt tích cực của nó là góp phần phát hiện những sai sót yếu kém trong bộ máy chính quyền địa phương. Nếu chúng ta bên cạnh việc nâng cao hơn nữa quản lý bộ máy công quyền, cộng với luật biểu tình thật xác đáng, đó là tác động rất tích cực cho xã hội".[95] Phó giáo sư Nguyễn Xuân Tế tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định "nguyên nhân trực tiếp là do cán bộ quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ, nhưng nó lại là hậu quả của cả một thể chế chưa được đổi mới".[96]

Giáo sư Tương Lai tại một hội thảo năm 2007 tổng kết sự kiện "Khi cái nhọt đã bục vỡ, nếu biết cách xử lý, nỗi đau sẽ giảm nhẹ đi rất nhiều và phần cơ thể nhiễm khuẩn sẽ lành mạnh trở lại. Ðiều ấy là dễ hiểu song không dễ chấp nhận, không dễ có một thái độ dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật với một sự dũng cảm mổ xẻ, phân tích để tìm ra đúng nguyên nhân. Nếu không tìm ra đúng nguyên nhân của sự kiện, chỉ dừng lại trên bề mặt của hiện tượng, đối phó bị động và tạm thời bằng những giải pháp chắp vá, thì nhất thời có thể tạm yên được sự bùng nổ, nhưng cái đẩy tới sự bùng nổ thì vẫn còn nguyên, thậm chí còn nung nấu thêm".[97] Tại hội thảo do Văn phòng Quốc hội Việt NamỦy ban châu Âu tổ chức ở Nha Trang vào ngày 15 tháng 8 năm 2007, giáo sư Tương Lai gợi nhắc biểu tình Thái Bình 1997, đồng thời nhấn mạnh "sự cần thiết phải đẩy mạnh việc xây dựng xã hội dân sự để thực hiện tốt quyền và trách nhiệm "phản biện xã hội", trong đó có quyền và trách nhiệm tham gia vào quy trình lập pháp của Quốc hội".[98] Sau này, giáo sư Tương Lai tiếp tục kết luận "Bài học Thái Bình thường được phân tích là bài học về sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước và hệ thống chính trị ở nông thôn, nhưng còn một bài học nữa ít được phân tích, đó là bài học về tổ chức xã hội. Ở đây là tổ chức quyền lực và “xã hội dân sự” tại nông thôn".[99] Phạm Chí Dũng cho rằng trong "Cách mạng Thái Bình 1997", vai trò lãnh đạo thuộc về giới cựu chiến binh, người dân Thái Bình bắt giữ lực lượng thi hành công vụ và tạm thiết lập "chính quyền nhân dân", phong trào sau đó đã lan ra một số tỉnh.[100] Sự kiện Thái Bình được phó giáo sư Bùi Thế Cường tại Viện Xã hội học định danh loại hình phong trào xã hội không có sự dẫn dắt của các tổ chức pháp nhân, hình thành nhằm biểu cảm các mục tiêu – nguyện vọng của nhóm xã hội nhất định.[101] Thạc sĩ Bùi Xuân Hóa tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng "tình trạng khiếu kiện đông người lúc đầu diễn ra tự phát do quần chúng bất bình trước những sai phạm của cán bộ – Đảng viên địa phương, nhưng dần dần hình thành một bộ phận lãnh đạo – chỉ huy gồm một số người làm nguyên đơn trong các khiếu nại tố cáo và những cán bộ – Đảng viên bất mãn".[51]

Quốc tế

Việt kiều

Cộng đồng Việt kiều tổ chức cuộc biểu tình phản đối chính phủ Việt Nam tại thủ đô Paris vào ngày 10 tháng 8, tại Quận Cam vào ngày 16 tháng 8, tại thành phố Houston vào ngày 17 tháng 8, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Washington, D.C vào ngày 23 tháng 8 với biểu ngữ "Hoan hô Nổi dậy Thái Bình". Cư dân tại thành phố San Jose thuộc tiểu bang California tổ chức "Tuần lễ Thái Bình–Xuân Lộc" từ ngày 24 tháng 8 đến ngày 1 tháng 9 năm 1997. Việt kiều tại Pháp tổ chức một cuộc biểu tình tuyệt thực kéo dài ba ngày tại quảng trường Trocadéro trong cùng khoảng thời gian này, một nhóm Việt kiều tại Đức biểu tình tuyệt thực trước trụ sở tòa nhà Đại sứ quán Việt Nam tại thành phố Bonn.[23]

Vào tháng 9 tại đường Bolsa Avenue thuộc thành phố Westminster, Phong trào Giáo dân Việt Nam tổ chức diễu hành với hơn 2.000 Việt kiều phản đối chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền – đàn áp tôn giáo người dân tại Thái BìnhĐồng Nai thuộc Việt Nam. Ngày 24 tháng 11 tại thành phố Santa Ana thuộc Quận Cam ở tiểu bang California, cảnh sát ước tính hơn 5.000 Việt kiều diễu hành phản đối với cùng lý do (trong khi "Phong trào Giáo dân Việt Nam" ước tính ít nhất 8.000 người tham gia). Đám đông diễu hành mang theo quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa và hô to "tự do cho Việt Nam".[102] Ngày 14 tháng 12 năm 1997 tại Little Saigon, khoảng 150 Việt kiều diễu hành và cầm quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa, cáo buộc chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền vì đàn áp tôn giáo và áp bức chính trị diện rộng.[49]

Chính phủ nước ngoài

Trước đám đông Việt kiều biểu tình tại Quận Cam thuộc tiểu bang California ngày 24 tháng 11 năm 1997, dân biểu Ed Royce—một thành viên thuộc Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos—phát biểu "yêu cầu bắt buộc là chính phủ Việt Nam phải nghe những gì chúng tôi đang nói ở đây hôm nay. Chúng tôi ở đây hôm nay để cho chính phủ Việt Nam thấy chúng tôi ở Hoa Kỳ biết sự áp bức tôn giáo đang diễn ra. Chúng tôi ở đây hôm nay lên tiếng để chống lại thực trạng đó.[102] Tại cuộc biểu tình của Việt kiều vào ngày 14 tháng 12 tại Little Saigon, dân biểu Loretta Sanchez cho biết đang yêu cầu chính quyền liên bang Hoa Kỳ ưu tiên nhân quyền trước khi ký kết bất kỳ hiệp định thương mại nào với chính phủ Việt Nam.[49] Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Pete Peterson bình luận "Họ [chính phủ Việt Nam] đang tìm kiếm một hệ thống. Họ đang tìm kiếm một sự thay đổi hoàn toàn trong cách hoạt động của chính phủ này. Họ rất muốn tránh xa đa nguyên, bởi vì với sự kiện này [biểu tình Thái Bình 1997] thì họ thấy sự bất ổn lớn. Nhưng họ đã không xóa bỏ hệ thống mà họ đang nắm giữ".[103]

Truyền thông quốc tế

Nam Nguyên trên Đài Á Châu Tự do nêu thực trạng Luật Đất đai tại Việt Nam được sửa đổi năm lần từ 1987 đến 2009 nhưng "luôn luôn bị chi phối bởi quan niệm đất đai là sở hữu toàn dân giao cho nhà nước là đại diện chủ sở hữu", đồng thời cho rằng "sự lạm quyền của các địa phương suốt mấy chục năm qua" dẫn đến nhiều khiếu kiện như biểu tình Thái Bình 1997 hay vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãng.[104] Đồng Chuông Tử trên BBC cho rằng "vụ biểu tình của người dân Thái Bình năm 1997 là một bước ngoặt về nhận thức của chính quyền và người dân".[3] Cù Huy Hà Vũ trên VOA cho rằng Tranh chấp đất đại tại Đồng Tâm là khủng hoảng nghiêm trọng nhất của chính phủ Việt Nam với người dân kể từ sự kiện Thái Bình năm 1997.[105] Ian Stewart trên The Seattle Times nhận xét "với việc trấn áp cả người dân thôn quê và các công chức địa phương, chính phủ trung ương tại Hà Nội đã dập tắt bất ổn xã hội với một sự cân bằng giữa cải cách và vũ lực".[12] The Economist nhìn nhận "bất mãn về tham nhũng, thuế trừng phạt và thiếu đất đã gây gây ra cuộc nổi dậy tại tỉnh Thái Bình trồng lúa phía bắc";[67] "khi chương trình cải cách kinh tế bắt đầu, Việt Nam được đa số coi như một hổ mới châu Á theo tiến trình. Nhưng quốc gia này vẫn còn tàn tích nghèo đói khủng khiếp với hơn 75 triệu dân tiếp tục sống dưới mức nghèo".[27] Seth Mydans trên The New York Times nhận định "sau cuộc nổi dậy 1997 chống lại công chức tham nhũng tại Thái Bình, Lê Khả Phiêu đã đưa ra một thiết chế các thủ tục phòng vệ ở cấp địa phương. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập một Ủy ban giám sát dù quyền lực [Ủy ban này] bị hạn chế".[106] Alejandro Reyes trên CNN cho rằng "mặc dù chính trị và xã hội bị Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát, Việt Nam vẫn trải qua một số bất ổn. Tại tỉnh Thái Bình phía bắc, cảnh sát được điều động tới để dập tắt biểu tình của nông dân chống lại tham nhũng và thuế cao".[107]

Ian Stewart trên Associated Press cho biết sự kiện xảy ra do "những nông dân tức giận về thuế bất công, lạm dụng tiền công và sử dụng đất hợp tác xã như tài sản thế chấp, cùng với nhiều hình thức tham nhũng khác.[14] Cat Ha trên báo Người Việt bình luận "luôn rất khó khăn cho các phương tiện truyền thông. Hiện tại với cuộc nổi dậy, chính phủ Việt Nam hiểu rõ thông tin nguy hiểm như thế nào, và họ đang cố gắng cấm mọi thứ".[49] Thi Lam trên Salon phân tích "Thái Bình là cái nôi không chỉ của cách mạng Cộng sản mà còn là của các cuộc đấu tranh giành tự do khỏi Đế quốc thực dân Pháp trong thập niên 1930. Các lãnh đạo mới của Việt Nam không thể không chú ý đến sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa những cuộc nổi dậy mấy tháng gần đây tại tỉnh đó với các hoạt động cách mạng nhận nhiều tôn vinh của những thập kỷ trước".[108] Keith Richburg trên The Washington Post cho rằng "Việt Nam đã bước vào thời kỳ bất ổn, yếu nhược về kinh tế và chính trị. Các lãnh đạo 70 tuổi và 80 tuổi dường như tê liệt, giới lãnh đạo có sự bối rối và thiếu quyết đoán về cách làm cũng như hướng đi tiếp theo của đất nước.[...] Các nhà lãnh đạo Việt Nam có vẻ đặc biệt quan tâm đến Nhật Bản — nơi mà Đảng Dân chủ Tự do đã cầm quyền gần như tuyệt đối kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai ngay cả trong một hệ thống dân chủ".[103]

Học giả quốc tế

Giáo sư Ben Kerkvliet tại Đại học Quốc gia Úc cho rằng nguyên nhân do "nghèo, công chức lạm quyền, tranh chấp đất đai, lạm thu thuế và nhiều loại thuế khác có lịch sử lâu đời tại Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam biết rõ hơn ai hết".[12] The Washington Post dẫn lời một nhà kinh tế học phương Tây nói "chính sách cải cách kinh tế được chào hàng rất nhiều, được gọi là Đổi Mới ra mắt từ thập kỷ trước, cuối cùng đã "hết hơi"".[103] Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải tại Đại học Công nghệ Queensland phân tích việc áp dụng dân chủ cơ sở toàn quốc năm 1998 trước biểu tình Thái Bình 1997 cho thấy "sự hùng biện của Đảng Cộng sản Việt Nam về dân chủ, có những câu chuyện thành công mà trong đó người dân địa phương đã có thể thực hiện một số quyền chính trị. Dân chủ cơ sở là một cơ chế cho phép Đảng Cộng sản Việt Nam ổn định nông thôn và giảm thiếu sự bất mãn của nông dân".[10] Trong nghiên cứu tiếp theo, tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải tiếp tục tổng quát "Chỉ khi tình trạng bất ổn lan rộng toàn tỉnh và một số biểu tượng của chế độ như tượng Hồ Chí Minh, quốc kỳ Việt Nam, Đảng kỳ bị đập phá; Đảng Cộng sản Việt Nam nhận ra rằng tính hợp pháp của nó đang bị đe dọa, sự mục ruỗng của bộ máy nhà nước đang ngày càng sâu sắc và mối quan hệ nông dân–nhà nước đã bị ngắt kết nối".[9] Tường Vũ thuộc Đại học California tại Berkeley nhìn nhận "đây là biểu tình lớn nhất được biết đến tại Việt Nam kể từ khi thống nhất đất nước và quân đội được điều động để dập tắt phong trào.[...] Những náo động đã thúc đẩy Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành một số sáng kiến nông thôn mới, bao gồm cải cách chính trị giới hạn tại cấp địa phương".[58] Tiến sĩ Vũ Phương Anh tại Đại học Newcastle cho rằng "bằng cách tăng cường "tiếng nói công chúng trong hệ thống chính trị hiện có", chính sách "dân chủ" này nhằm củng cố sự ổn định chính trị và tái xác nhận "tính đúng đắn" của lý luận xã hội chủ nghĩa chính danh đang được chính phủ Việt Nam triển khai".[109]

Shaun Kingsley Malarney phân tích "Các công chức bị người dân cáo buộc tham nhũng, ngạo mạn và chuyên quyền hoặc phớt lờ khiếu nại của người dân. Sự khước từ này dường như đã biến đổi tâm lý công chúng từ một cuộc đàm phán hòa bình sang đối đầu thẳng thừng".[28] Clay G. Wescott tại Đại học Simon Fraser nhìn nhận "nhiều người biểu tình là cựu chiến binh trong Chiến tranh Việt Nam. Phản ứng của chính phủ là kỷ luật một số công chức có liên quan và chỉnh đốn nội bộ thông qua lời kêu gọi minh bạch hơn, tham gia và cải thiện hành chính".[110] Mark Mattner tại Sierra Leone Urban Research Centre tổng quát "ở một mức độ nào đó, điều này là do tổ chức bộ máy hành chính không hiệu quả và các công chức địa phương thường xuyên thiếu bằng cấp chuyên môn cần thiết cho chức vụ họ đang nắm giữ".[69] Giáo sư Jonathan D. London tại Đại học Leiden so sánh biểu tình Thái Bình 1997 và tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm, khen ngợi "lãnh đạo chính trị các cấp thời 1997 đã xử lý khôn ngoan, thỏa đáng, phù hợp, tuân thủ hiến pháp và pháp luật".[111] Tiến sĩ Trương Mai Thanh tại Đại học Arizona nhìn nhận "điều khiến nông dân Thái Bình đoàn kết chính bởi bất mãn của họ với sự lạm quyền của chính quyền địa phương, bao gồm việc tước đoạt đất đai trái phép và thu thuế quá cao, đối ngược với các chính sách của chính phủ trung ương".[112] Peter Mares tại Đại học Kỹ thuật Swinburne bình luận "khi các quan chức địa phương phớt lờ phản ứng trước các kiến nghị và biểu tình ôn hòa, cơn giận dữ của nông dân cuối cùng đã thổi bùng lên thành các cuộc biểu tình bạo lực.[...] Vào thập niên 1990, dưới chế độ Cộng sản, không hề có bất kỳ phóng viên hay nhà văn Việt Nam có thể nói lên được những thất vọng của nông dân Thái Bình".[113]

Tổ chức phi chính phủ

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền bình luận "Việt Nam năm 1997 trải qua tình trạng bất ổn nông thôn nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, chủ yếu ở các tỉnh Thái BìnhĐồng Nai — nơi hàng ngàn nông dân xuống đường để phản đối nạn tham nhũng tràn lan của công chức chính quyền và tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam ở địa phương mà giai cấp nông dân cho rằng sự bất bình kinh tế cơ bản của họ đang cố bị gạt đi".[25] Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc cho rằng sau sự kiện Thái Bình, "đã có những động thái cải cách cách cơ quan bầu cử và hệ thống bầu cử, các yếu tố cải cách nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam và tăng cường vai trò các tổ chức dân sự do Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam".[63] Economist Intelligence Unit nhìn nhận "bài học chính được rút ra từ các sự kiện ở Thái Bình là họ [chính phủ Việt Nam] đã bộc lộ những thiếu sót trong mối liên kết giữa một mặt là người dân và Đảng Cộng sản Việt Nam, một mặt khác là giữa Nhà nước và các tổ chức xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam đã gạt bỏ quan điểm của Trần Độ—người đã kêu gọi tự do ngôn luận, tư tưởng cởi mở hơn và thách thức nhiều định kiến lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam".[16] Ngày 12 tháng 9 năm 2005, Forum Asia Democracy đệ trình báo cáo lên Nghị viện châu Âu, nhấn mạnh "nông dân và tá điền nghèo ở nông thôn Việt Nam là những nạn nhân chính của các chính sách tự do hóa kinh tế tại Việt Nam — vốn bị kết hợp các yếu tố tồi tệ của chủ nghĩa tư bản mèo rừng và chủ nghĩa chuyên chế chính trị [...] Bất bình đẳng kinh tế và xã hội được đánh dấu bởi một tương phản chênh lệch lớn giữa sự giàu có phô trương của các quan chức Đảng viên [Đảng Cộng sản Việt Nam] địa phương với sự nghèo đói rõ rệt của nông dân và tá điền, dẫn đến những cuộc biểu tình lớn tại Thái Bình và Đồng Nai vào năm 1997".[114]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Biểu tình Thái Bình 1997 http://101.53.8.174/hcmulaw/index.php?option=com_c... http://press-files.anu.edu.au/downloads/press/p266... //www.amazon.com/dp/1857431332 http://id.nii.ac.jp/1130/00002906/ http://tuanvietnam.net/2012-02-02-gs-nguyen-minh-t... //dx.doi.org/10.1177%2F186810341603500202 //dx.doi.org/10.14264%2Fuql.2015.392 //dx.doi.org/10.22004%2Fag.econ.23788 //dx.doi.org/10.22459%2FLCFPA.01.2014.15 //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v...